Cảm phục người đàn ông ngoại quốc, cưu mang gần 300 chó mèo từ lò mổ: “Dù khó khăn, tôi vẫn muốn làm”

   

Nhìn hình ảnh người đàn ông ngoại quốc cao lớn, đứng tuổi với những hình xăm khắp người… Chắc ít ai biết được rằng ông lại là người cưu mang gần 300 chú chó mèo do chính tay ông giải cứu. Và cứ thế gần chục năm nay câu chuyện về ngôi nhà cưu mang chó mèo của “ông Tây” vẫn được viết tiếp.

Con đường trở thành quý ông giải cứu chó mèo

Leopold Vincent (tên đầy đủ Vincent Leopold Marcel Pascal), sinh ra ở Ouistreham, thuộc vùng Normandy, miền Bắc nước Pháp. Mọi người thường gọi ông là Leo. Ông từng làm nghề xăm hình, nhân viên pha chế trong các quán rượu và làm việc ở một trung tâm kinh doanh băng đĩa.

Sau đó, ông rời nước Pháp để đến Campuchia làm ăn theo lời mời của người quen. Tại đây ông đã gặp vợ mình – một phụ nữ Việt Nam nên quyết định chuyển sang Việt Nam sinh sống. Mặc dù giờ ông và vợ không còn chung sống nữa, nhưng chính cuộc gặp gỡ đó đã tạo nên cơ duyên của ông với Việt Nam đến tận bây giờ.

Nhớ lại những ngày đầu đến Việt Nam, Leo kể về cú sốc văn hoá khi thấy chó, mèo được coi như một loại thực phẩm. Có những gia đình sẵn sàng ăn thịt con chó mà họ nuôi. Leo không tưởng tượng nổi điều đó và khẳng định: “Chó mèo là thú cưng, nó không nằm trong danh sách thức ăn”.

Leo và những chú chó do ông cưu mang.

Đối với quan niệm của ông, ông không cần giàu có, quần áo đẹp hay công việc tốt,… những thứ ấy không quan trọng. Điều ông quan trọng nhất là giúp đỡ được chó, mèo vì chúng không thể lên tiếng nhờ giúp nên ông sẽ tự mình nói thay cho chúng.

Chính vì lí do đó nên khoảng 9 năm trước, ông đã bắt đầu con đường trở thành quý ông giải cứu chó mèo. Khi đó ông còn sống ở Sài Gòn, không chỉ chó, mèo hoang mà chó, mèo sắp bị làm thịt ông cũng mua lại. Sau đó đưa về nhà chăm sóc cho cứng cáp rồi nhờ vả bạn bè tìm chủ mới cho chúng. Cứ khoảng một vài tuần sau, ông lại gọi hỏi thăm tình hình nhưng người thì thản nhiên bảo nó đi mất rồi, người bảo nó bị bắt, người không nghe máy,…

Biết được rằng không ai chăm sóc cho chúng có tâm được như chính bản thân mình, từ đó ông quyết định nuôi tất cả lũ chó, mèo trong nhà mình. Đây cũng chính là lí do khiến hôn nhân của ông tan vỡ. Người vợ không chấp nhận được việc ở cùng với hàng chục chú chó, mèo. Chưa kể nhiều con già, bệnh phải “hầu như hầu vong”. Đi kèm với nó còn là tiền bạc và công sức, thời gian… Khi số chó, mèo trong nhà lên đến con số hàng chục, Leo gần như bỏ hết tất cả công việc chỉ để ở nhà chăm sóc những “của nợ” này.

Sau khi chia tay vợ, ông di chuyển cùng với chó, mèo qua hầu khắp các quận nội thành Sài Gòn. Trung bình nửa năm ông phải chuyển nhà một lần vì không hàng xóm nào chịu được ngôi nhà cưu mang của ông. Bởi cứ sáng dậy đúng 5 giờ các chú chó sủa đồng ca và quanh bán kính 500m chỗ nào cũng thấy mùi hôi.

Thời gian đầu khi mới vào nghề cưu mang hay kể cả đến bây giờ, có nhiều lúc Leo cực kì khó khăn. Lúc đó có nhiều người “kỳ thị” công việc này và ông phải tự mình chi trả cho tiền mua thức ăn, tiền chữa bệnh, tiền tiêm phòng,… Vì chưa có quỹ hỗ trợ nên khó khăn càng thêm chồng chất.

Sau này, Leo lập ra tổ chức Vietnam Animals Cruelty (VAC) với chức năng chính là thu thập chó, mèo bị bỏ rơi hoặc thậm chí đơn giản là bị chủ của chúng vứt đi như rác thông thường. Qua VAC, ông nhận được hỗ trợ từ một tổ chức giải cứu động vật của Canada, từ đó gánh nặng tài chính mới giảm bớt. Nhờ sự giúp đỡ đó mà cuộc sống của ông và gia đình chó, mèo tốt hơn rất nhiều.

Nói tiếp về chuyện chuyển nhà, khi số lượng chó, mèo được Leo giải cứu lên đến con số ngót trăm, ngay cả những quận ven đô của Sài Gòn cũng không muốn “chứa chấp” gia đình phức tạp của ông. Vậy là họ chuyển đến Bình Dương. Ở Bình Dương vài năm, giờ Leo đang an vị tại Đồng Nai, trong một khu khuất nẻo không có số nhà. Mỗi lần mua đồ ăn cho chó, mèo, thường là rất nhiều. Leo phải dùng xe đẩy tay chuyển từng bao đồ từ đường lớn vào “nơi trú ẩn” của ông và gia đình. “Nơi trú ẩn” có cổng, hàng rào để tránh những người trộm chó.

Cho đến nay, thành viên của gia đình Leo cứ đông lên dần. Từ vài ba con lúc đầu, hiện đã lên đến gần 300 con. Khi có người hỏi làm mãi cái việc giải cứu như “muối bỏ bể” ấy, không nản à? Leo trả lời: “Tôi giải cứu chó, mèo giống như người ta hút thuốc lá, không cách nào dừng được”!

Điều đặc biệt ở đây đó là dù cưu mang rất nhiều chó, mèo như vậy nhưng ông luôn nhớ tên của từng con. Nhiều người hỏi làm sao ông nhớ tên từng con giỏi vậy. Leo trả lời: “Bạn có bao nhiêu người bạn và bao nhiêu thành viên trong gia đình? Bạn có thể nhớ hết tên của họ thì với tôi những con vật cũng vậy”.

“Ông Tây” và ngôi nhà cưu mang chó mèo ảnh 1
 Một góc ngôi nhà cưu mang của Leo.

Ông không chỉ có một mình

Bên cạnh những người ngược đãi chó, mèo, đâu đó vẫn có không ít người như ông Leo. Dành tình thương của mình cho những con vật không biết nói, không biết kêu nhưng lại biết thế nào là yêu thương. Chính những tấm lòng yêu thương động vật ở khắp nơi ấy đã giúp cho biết bao nhiêu chó, mèo có nơi ăn, chốn ở, được vuốt ve, chăm sóc mà không phải nằm trên những mâm thức ăn.

Chính câu chuyện của Leo đã từng khiến biết bao người dùng mạng xã hội cảm động với tấm lòng cao cả và nhân đạo đó. Người đàn ông ấy đã ăn chay trường nhiều năm, quần áo gần như rất ít mua mới, lúc nào cũng mặc chiếc áo cũ lấm tấm mồ hôi. Ngay cả cái máy tính xách tay ông đang dùng cũng là quà tặng của diễn viên Tăng Thanh Hà. Toàn bộ thu nhập trước đây của ông (đến từ việc dạy tiếng Anh và dịch) đều dành cả cho chó, mèo. Leo thậm chí không dám đi du lịch vì sợ bỏ “lũ nhỏ” ở nhà không ai quan tâm.

Ông có một trang Facebook để thỉnh thoảng cập nhật tình hình của các thú cưng cũng như xin giúp đỡ từ cộng đồng. Bởi với số lượng chó, mèo như hiện tại: hơn 200 con mèo và gần 100 con chó thì gói hỗ trợ từ tổ chức Canada không đủ để chi trả.

Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Leo nhiều lần phải lên Facebook đăng vỏn vẹn vài chữ tiếng Việt kiểu Google dịch “Tôi nuôi chó, mèo, tôi hết đồ ăn cho tụi nhỏ rồi, mong được giúp đỡ”! Dù đã cố gắng gượng suốt thời gian qua để chăm lo cho những chú mèo nhưng quả thật giờ ông cần phải có sự giúp sức, chung tay của cộng đồng mới tiếp tục duy trì được.

Và thật may mắn, câu chuyện của ông về tình yêu chó, mèo bình dị ấy đã chạm đến trái tim của nhiều người yêu động vật. Không chỉ ở TP HCM mà khắp nơi trên cả nước, từ những bạn học sinh, sinh viên đến những người đi làm,… đều góp một phần nhỏ những gì mình có để Leo duy trì được ngôi nhà chung này. Người thì gửi tiền, có người còn gửi hàng tháng cho ông. Người thì gửi cho ông vật dụng cần thiết cho chó, mèo như khăn tắm, chăn, đồ chơi và cả thức ăn nữa.

Chính những tấm lòng đó đã giúp đỡ ông rất nhiều khi gặp khó khăn về tài chính. Trên hành trình cưu mang chó, mèo này ông không chỉ có một mình mà còn rất nhiều người nữa. Mọi người đều dành sự tin tưởng tuyệt đối cho người đàn ông có 1 đồng thì sẽ dùng cả 1 đồng cho chó, mèo của mình. Người đàn ông bình dị dù trên người có rất nhiều hình xăm nhưng không khiến người ta sợ hãi mà ngược lại còn dành sự yêu mến cho ông.

Và cứ như vậy, đã gần 10 năm ông vẫn quyết tâm đi theo cuộc hành trình cưu mang chó, mèo mà ông đã chọn. Không phải ai cũng có thể từ bỏ tất cả để làm được những việc như ông đang làm. Chắc chắn phải có một tình yêu rất to lớn với chúng thì ông mới có thể làm được điều phi thường này. Đúng vậy, với Leo, ông không coi những chú chó, mèo mình cưu mang là động vật mà ông coi chúng như chính gia đình của mình, là một phần cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần cho ông ở nơi “đất khách quê người” này.